Bộ Y tế: Tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và một số nội dung về điều trị cúm A

Thứ hai - 01/08/2022 22:06
Ngày 01/08/2022, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và một số nội dung về điều trị cúm A cho Sở Y tế, Bệnh viện trực thuộc các Bộ, Ngành, Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, Trung tâm Y tế huyện, thành phố có giường bệnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị tập huấn.
tập huấn đậu mùa và cúm A
tập huấn đậu mùa và cúm A
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có đại diện lãnh đạo Sở Y tế; các phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo và viên chức liên quan các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Thứ trưởng đề nghị các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng, chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập, cách ly và điều trị kịp thời; tiếp tục tổ chức tập huấn đến các cơ sở khám, chữa bệnh, từ bệnh viện các tuyến và trạm y tế cấp xã để sớm phát hiện ca bệnh. Đồng thời, truyền thông để người dân biết các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời đến cơ sở khám, chữa bệnh để khám, cách ly, điều trị.
Tại Hội nghị tập huấn, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khái quát về tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và các biện pháp ứng phó. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) nhận định xu hướng gia tăng ca bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới là chắc chắn. Ngày 23/7/2022, WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Thực tế, chỉ trong 7 ngày có tới hơn 4.000 ca bệnh xác định được báo cáo, nâng tổng số ca bệnh ghi nhận đến ngày 28/7 là 19.178 ca và 5 ca tử vong. 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, Singapore… đã ghi nhận 62 ca bệnh.
Gs.Ts. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó nhấn mạnh các cơ sở y tế là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên, chứ không phải là ở sân bay. 2 nhóm người nguy cơ cao nhất lây nhiễm vi rút đậu mùa khỉ là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán. Việc xét nghiệm hiện chỉ có phương pháp Realtime RT-PCR. Trước mắt, y tế các tuyến sẽ giám sát, theo dõi lâm sàng, phân biệt nốt phát ban của đậu mùa khỉ với các bệnh lý khác như tay chân miệng, đậu mùa, herpes lan toả, kết hợp với yếu tố dịch tễ để nhận định ca bệnh.
Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh hướng dẫn Quản lý, điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó Trạm Y tế xã/phường, quận/huyện: sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnhtuyến tỉnh, Trung ương: sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng. Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị: giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu và các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày hết các triệu chứng về lâm sàng (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ đã đóng vảy) sẽ được xuất viện. 
BsCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương triển khai một số vấn đề cần lưu ý trong chẩn đoán, điều trị cúm hiện nay.
Thông qua tập huấn nhằm giúp các địa phương phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ để tổ chức cách ly, điều trị kịp thời. Cùng với đó, các cơ sở khám chữa bệnh chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và cộng đồng. Song song với đó, các đơn vị ngành Y tế có sự chủ động trong công tác phòng, chống và ngăn chặn dịch cúm phát triển, lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, ngày 29/7, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.
 

Nguồn tin: Sở y tế Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay2,227
  • Tháng hiện tại56,910
  • Tổng lượt truy cập4,509,049
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây