Cảnh báo về tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy - Paraquat

Thứ sáu - 06/09/2024 02:56
Trong thời gian gần đây số lượng bệnh nhân đến khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vì ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy - Paraquat có dấu hiệu tăng. Từ tháng 1/2023 đến nay đã có trên 18 ca. Các trường hợp ngộ độc do thuốc diệt cỏ cháy Paraquat, mặc dù đã được tích cực cấp cứu và lọc máu nhưng do uống một lượng quá mức cho phép chất độc nên tình trạng người bệnh vẫn rất nguy kịch sau đó được người nhà xin ra viện để lo hậu sự.
Cảnh báo về tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy - Paraquat
Paraquat là gì? Mức độ nguy hiểm của thuốc độc này
Paraquat thuộc nhóm chất diệt cỏ tác dụng nhanh và không chọn lọc, có tác dụng ăn mòn, phá hủy các tế bào: phổi, thận, gan, tim… Paraquat là loại thuốc diệt cỏ rẻ tiền, không ảnh hưởng đến môi trường nhưng đối với con người lại cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần uống phải 10 - 15ml paraquat có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy, tỉ lệ tử vong của ngộ độc paraquat rất cao, trung bình từ 70 - 90%.
Với người uống nhiều Paraquat, chỉ sau vài giờ sẽ xuất hiện cảm giác nóng bỏng ở miệng, buồn nôn, đau bụng. Chất độc được hấp thụ nhanh, đặc biệt có ái lực rất cao với phổi, gây tổn thương phổi và xơ phổi tiến triển không hồi phục, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Rất nhiều biện pháp điều trị đã được nghiên cứu và áp dụng nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế trong việc cứu sống người bệnh.
Giữa tháng 8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận người bệnh nam 35 tuổi uống một chai thuốc diệt cỏ cháy có chất paraquat. Theo lời kể người bệnh có tiền sử tâm thần ở nhà đã tự uống một lượng lớn thuốc diệt cỏ. Mặc dù điều trị tích cực và lọc máu nhưng tình trạng người bệnh vô cùng nặng nề. Sau 02 ngày điều trị phía gia đình người bệnh đã xin cho người bệnh về nhà để lo hậu sự. Có thể nói, người bệnh tử vong do paraquat là một nỗi ám ảnh với cán bộ y tế, bởi chính họ là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của người bệnh - đi đến cái chết nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo, thể trạng tốt vì đa phần các bệnh nhân còn rất trẻ, khỏe mạnh nên không bị suy kiệt như những người bệnh khác. Họ tỉnh táo đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi và ngừng thở hoàn toàn do phổi không hoạt động.
Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác như dạ dày, gan, thận…nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống. Vài tháng trước, ở bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu sống được một trường hợp ngộ độc paraquat do uống nhầm thuốc. Người bệnh phát hiện kịp thời đã nhổ số thuốc trong miệng và lập tức đến bệnh viện để cấp cứu.
Tuy nhiên, để cứu sống một người bị ngộ độc paraquat thì cần một chi phí rất lớn do phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu liên tục trong thời gian dài. Tính đến khi người bệnh đủ điều kiện ra viện trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường thì chi phí điều trị khoảng từ 70 triệu đồng - 80 triệu đồng.
Cấp cứu khi ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy - Paraquat

Theo các bác sỹ hiện Việt Nam và cả trên thế giới cũng chưa có biện pháp điều trị để cứu sống người bệnh ngộ độc do uống paraquat. Nếu chẳng may bị ngộ độc paraquat, thì việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Trong giờ đầu, người nhà có thể gây nôn cho nạn nhân bằng những vật dụng có sẵn và dễ kiếm trong gia đình như lòng trắng trứng gà và đất sét. Với lòng trắng trứng gà ta có thể cho nạn nhân uống từ 2 - 4 lòng trắng trứng. Hoặc lấy 100gr đất sét pha với 200ml nước cho nạn nhân uống nếu không tìm được đất sét thì có thể thay thế bằng đất thịt. Sau khi tiến hành sơ cứu xong, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để rửa dạ dày và rửa cho đến khi hết dịch màu xanh. Các bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ thuốc ức chế miễn dịch mạnh để ngăn ngừa xơ phổi tiến triển. Đồng thời thực hiện lọc máu hấp phụ khi paraquat còn dương tính. Ưu tiên càng sớm càng tốt, tốt nhất trước 8 giờ. Các loại quả lọc hấp phụ được sử dụng như cột than hoạt tính hoặc cột resin tùy theo khả năng của từng cơ sở. Lọc máu hấp phụ cần được tiến hành ít nhất 3 lần liên tiếp trong 9 - 10 giờ đầu. Đồng thời, chỉ định xét nghiệm nước tiểu cho người bệnh, nếu trong nước tiểu còn độc chất thì tiếp tục lọc máu cho đến khi xét nghiệm nước tiểu không còn độc chất thì dừng lọc máu.

Mặc dù lọc máu tích cực, độc chất có thể về âm tính tuy nhiên người bệnh có thể gặp một số biến chứng như suy hô hấp, xơ phổi tiến triển, suy thận, viêm/suy gan. Tổn thương gan thận có thể hồi phục được. Nếu bệnh nhân sống sót qua những ngày đầu tiên phổi sẽ tiến triển xơ hóa và gây ra bệnh lý phổi hạn chế. Các bệnh nhân này dù sớm hay muộn cũng sẽ tiến triển đến suy hô hấp nhưng lại không thể điều trị bằng thở oxy, vì khi đó sẽ sản sinh ra một loại chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn. Kết quả cuối cùng người bệnh vẫn tử vong trong tình cảnh suy hô hấp quá mức do phổi không hoạt động.

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay2,390
  • Tháng hiện tại57,073
  • Tổng lượt truy cập4,509,212
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây