Chế độ dinh dưỡng chăm sóc cho trẻ bị viêm ruột thừa
Thứ ba - 19/04/2022 23:12
Viêm ruột thừa thường xảy ra với nguyên nhân chủ yếu do ruột thừa bị tắc nghẽn hoặc do các nhiễm trùng khác trong ổ bụng lây nhiễm vào ruột thừa. Sau khi hoàn thành việc phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm, việc ăn uống của người bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh nhiễm trùng vết thương và mau hồi phục.
1. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp cho thấy trẻ đang bị viêm ruột thừa:
Đau bụng: vùng hố chậu phải, thường bắt đầu ở vùng trên rốn, sau đó đau quanh rốn rồi tập trung về vùng hố chậu phải. Tuy nhiên, ở những trẻ còn nhỏ tuổi, đôi khi xác định điểm đau của trẻ là cả một vấn đề khó khăn. Khi đó người lớn nên quan tâm đến các cử chỉ hành động của trẻ như quấy khóc, hay sờ tay vào vùng bụng, bác sĩ khám chỗ nào cũng kêu đau. Trẻ bị đau bụng không có nghĩa là trẻ bị viêm ruột thừa. Cần lưu ý phân biệt tình trạng trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đầy bụng, khó tiêu, do dị ứng với thức ăn hay các bệnh lý thường gặp khác như lồng ruột, viêm ruột...
Đau bụng là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em. Khi bác sĩ khám, sờ vào trẻ đau, dấu hiệu phản ứng thành bụng dương tính, đau khi thay đổi áp lực đột ngột.
Biếng ăn: Đột nhiên trẻ biếng ăn ngay cả khi trẻ được ăn những món ăn mà hằng ngày trẻ rất yêu thích.
Sốt: Trẻ bị sốt từ 37-39 độ C, một số trường hợp có thể sốt cao trên 40 độ C. Điều này cho thấy trong cơ thể trẻ đang xảy ra một tình trạng viêm nhiễm nào đó cần được chẩn đoán sớm để điều trị.
Có thể biểu hiện buồn nôn, nôn ra thức ăn, nôn ra dịch dạ dày, bụng đầy chướng khó chịu, có thể kèm theo tiêu chảy hoặc táo bón.
Mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn.
Trẻ bị viêm ruột thừa cũng có thể bị rối loạn đi tiểu thường xuyên, đau khi đi tiểu.
Xét nghiệm máu, siêu âm, CT scan bụng có thể giúp chẩn đoán.
2. Chế độ dinh dưỡng chăm sóc cho trẻ bị viêm ruột thừa
Nếu trẻ có những biểu hiện nghi ngờ viêm ruột thừa cấp thì tạm thời không cho trẻ ăn uống nhiều và đưa trẻ đến bác sĩ hay bệnh viện để khám và nhận được sự tư vấn cụ thể nhất. Ruột thừa viêm rất khó chẩn đoán ở trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi. Đôi khi trẻ bị ruột thừa viêm muộn đã có biến chứng nhưng trước khi đến bệnh viện, một số phụ huynh lại có suy nghĩ cho trẻ ăn no để sau mổ dễ hồi phục, suy nghĩ như vậy là không đúng. Việc cho trẻ ăn trước khi mổ 6 tiếng có thể ảnh hưởng đến quá trình gây mê trong mổ và dễ dẫn đến tai biến trong gây mê có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Tùy từng tình trạng bệnh lý của trẻ, thông thường trẻ có thể ăn uống trở lại sau mổ 6 tiếng. Đầu tiên nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa những thực phẩm này gồm súp, cháo, cơm nhão, sữa chua, canh, khoai tây. Đây là nhóm thực phẩm được các bác sĩ khuyên dùng nhiều nhất cho bệnh nhân mổ ruột thừa trong quá trình hồi phục.
Sau giai đoạn đầu ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như đã nói ở trên thì nên bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm khác nếu cơ thể có dấu hiệu tốt hơn, không đau, tiêu chảy hay nôn ói. Bởi nếu chỉ ăn thức ăn lỏng sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, thời gian lành bệnh sẽ lâu hơn, chưa kể người bệnh sẽ cảm thấy nhàm chán. Do đó, việc bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, đạm và chất xơ là hết sức cần thiết
Nên đảm bảo đầy đủ bốn nhóm dưỡng chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường và vitamin khoáng chất. Bởi khi cơ thể được cung cấp đầy đủ hệ dưỡng chất này sẽ mau lành vết thương, hồi phục nhanh chóng.
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng: