Ngày thế giới không thuốc lá 31.5: Xây dựng môi trường không khói thuốc vì sức khỏe cộng đồng
Thứ hai - 31/05/2021 05:12
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid 19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá). Hoạt động PCTH thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Nghị định số 176/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá đã quy định cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng… Tuy vậy, việc xử phạt gặp nhiều khó khăn bởi số người vi phạm không nhỏ, diễn ra trên địa bàn rộng, mà theo quy định của Luật và các nghị định liên quan thì chỉ có Chủ tịch UBND các cấp, lực lượng thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt…
Hút thuốc lá gây nên các bệnh lý ở hệ hô hấp như viêm mũi mạn tính, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản mạn tính, ung thư xoang hàm, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phế quản; bệnh lý ở phổi như viêm phổi, dãn phế nang, ung thư phổi. Hút thuốc lá còn gây nên bệnh xơ vữa động mạch, động mạch vành, bệnh thuyên tắc động mạch, tai biến mạch máu não và gây ung thư các cơ quan khác: ung thư môi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư bàng quang và thận, ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, những người không hút thuốc nhưng lại phải chung sống hay cùng làm việc với những người nghiện thuốc lá, đặc biệt là đối tượng trẻ con vẫn có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tổ chức các hoạt động Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2021, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền Luật PCTH thuốc lá, tác hại của thuốc lá; Treo biển báo cấm hút thuốc lá tại các khoa, phòng trong khuôn viên Bệnh viện; Đẩy mạnh hoạt động giám sát việc xây dựng môi trường không khói thuốc trong Bệnh viện. Tiếp tục đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch xây dựng Bệnh viện “Xanh – Sạch – Đẹp” hằng năm, thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc theo nội quy, quy chế bệnh viện. Có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác PCTH thuốc lá.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và ngày Thế giới không khói thuốc 31-5, mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức để loại trừ thuốc lá, bảo vệ sức khỏe, tạo ra môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng.
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng: