Bệnh đường hô hấp
Khi trời lạnh quá, NCT có thể bị cảm lạnh do ở trong phòng đi ra ngoài trời nhiệt độ thấp. Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, phổi. Đối với NCT bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lạnh đột ngột cũng sẽ dễ xuất hiện triệu chứng, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.
Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến ở người già, khi trời lạnh và mưa ẩm ướt, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.
Một số NCT do chế độ ăn uống chưa hợp lý nên thường bị đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón... Những bệnh đường tiêu hóa này tái đi tái lại nhiều lần sẽ làm sức khỏe NCT suy giảm và nguy cơ mắc các bệnh tiết niệu, nội tiết, tim mạch... tăng cao hơn.
Bệnh tim mạch, tăng huyết áp
Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thời tiết lạnh làm tăng tiết các catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Với NCT, huyết áp phải kiểm soát để không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp sẽ tăng, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa, rất nguy hiểm. Đặc biệt, những người bị bệnh đái tháo đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn tăng huyết áp kịch phát, nguy hiểm. Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh, nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi...
Các bệnh về cơ, xương, khớp
Một số bệnh về cơ xương khớp NCT rất dễ mắc phải như viêm khớp gối, đau lưng, cứng khớp và khó vận động. Viêm khớp gối là bệnh xuất hiện thường xuyên nhất. Theo thời gian xương khớp bắt đầu thoái hóa, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối gây chèn ép vào màng khớp và gây viêm. Mỗi khi tiết trời chuyển mùa, hanh khô hoặc lạnh, sự tuần hoàn của các mạch máu đi nuôi cơ thể kém hơn, các khớp gối dễ bị sưng nề gây nên sự khó khăn trong việc vận động, nhất là các vận động gấp duỗi cẳng chân, bước cầu thang...
Đau lưng ở NCT đôi khi là dấu hiệu báo trước những ngày thời tiết chuyển mùa sắp đến. Ở người già, đau lưng diễn ra khá thường xuyên, có thể vào mọi lúc. Tuy nhiên trời chuyển lạnh, cơn đau thường diễn ra dai dẳng với cường độ mạnh. Nhiều NCT thấy rằng cơn đau lưng xuất hiện là dấu hiệu báo có sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Đau lưng gây nhiều bất tiện trong cuộc sống thường ngày.
Rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ rất cần cho một cơ thể khỏe mạnh. Ở NCT, giấc ngủ càng quan trọng hơn do độ tuổi này sức khỏe suy giảm cùng với những căn bệnh tuổi già. Khi trời trở lạnh, cơ thể mất nhiều năng lượng để thích ứng nên rất khó ngủ. NCT thường chỉ trải qua giấc ngủ thực sự khoảng 4 giờ mỗi ngày, chính điều này đã là sự biểu hiện của việc không được ngủ đủ giấc. Có thể lúc đi ngủ thì thường trằn trọc mãi không ngủ được hoặc là ngủ rất dễ nhưng lại tỉnh sớm và nằm trằn trọc cả đêm. Ở những người có tình trạng rối loạn giấc ngủ, cơ thể không được hồi phục sức khỏe đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng tới thần kinh. Do sức khỏe kém nên NCT thường ít vận động thể chất khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, ốm yếu, kém phần dẻo dai, cũng khiến NCT khó đi vào giấc ngủ hơn. Tình trạng rối loạn giấc ngủ không được điều chỉnh, lâu ngày còn có thể dẫn tới suy nhược cơ thể, chán nản, trầm cảm hay cáu gắt, chán ăn, buồn bã, bi quan...
Để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông, người cao tuổi nên chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Giữ ấm cơ thể: Dù ở nhà hay ra ngoài, người cao tuổi đều cần mặc đủ ấm, dùng khăn len che mũi, miệng để tránh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Phòng ở phải thông thoáng nhưng ấm, không có gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ phải có rèm hoặc kính che gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều. Nếu không có việc cần thiết, người cao tuổi nên hạn chế đi ra ngoài trời lạnh. Ban đêm nếu phải tiểu đêm, người cao tuổi phải mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ thấp sau đó mới ra. Thực hiện tương tự nếu dậy sớm tập thể dục. Việc thay đổi nhiệt độ quá nhanh sẽ khiến xảy ra các biến chứng nguy hiểm như tái biến, nhồi máu cơ tim…
Ăn đủ chất: Người cao tuổi cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất bột đường, chất đạm, đặc biệt là chất béo giúp cơ thể sinh năng lượng chống rét. Thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu năng lượng và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối để không mất ngủ. Tuyệt đối không dùng rượu để làm ấm cơ thể vì sẽ gây dãn mạch, khi tiếp xúc với trời lạnh rất nguy hiểm.
Tập luyện đều đặn: Tập thể dục thể thao giúp người cao tuổi giữ được khối lượng cơ, khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, tăng cường hoạt động hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết cũng như mỡ máu. Người cao tuổi nên tập thể dục ở chỗ kín gió, ấm áp, hoặc tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Hãy nhớ luôn khởi động kỹ cho người ấm lên mới bỏ áo ngoài và tập luyện, chỉ nên tập luyện vừa sức
Trên đây là một số cách giúp người cao tuổi phòng bệnh mùa đông. Để bảo đảm được cung cấp đủ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng, có thể bổ sung thêm sữa dành cho người già giúp tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, ăn ngủ ngon, đồng thời giúp giảm cholesterol, tốt cho hệ tim mạch và tạo hệ xương chắc khỏe.