Viêm gan B: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả

Thứ ba - 21/06/2022 22:08
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mạn tính, gây nhiễm trùng gan thậm chí là ung thư gan.
khám Viêm gan B-C, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng
khám Viêm gan B-C, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng
Người dân trên địa bàn tỉnh khi có các dấu hiệu như: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn và nôn, đau bụng, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu, đau khớp, vàng da..có thể đến phòng khám Viêm gan B-C, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng (đặt tại tầng 1, Khoa khám bệnh). Thời gian: Tất cả các ngày trong tuần ( Từ thứ 2- thứ 6) để được khám, tư vấn, kiểm tra từ đó sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B
Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus). Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 typ kháng nguyên khác nhau. Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng.
Các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV như:  lây truyền qua đường máu,  lây từ mẹ sang con, lây qua đường tình dục
Viêm gan B được phân thành 3 loại là viêm gan B cấp tính, viêm gan B mạn tính và viêm gan B thể không hoạt động.

2 . Các triệu chứng của bệnh viêm gan B
* Triệu chứng viêm gan B cấp tính
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Những đối tượng còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 - 50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn và nôn, đau bụng, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu, đau khớp, vàng da
* Triệu chứng viêm gan B mạn tính
Hầu hết những người bị viêm gan B mạn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có xuất hiện triệu chứng, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.

3. Các biến chứng của viêm gan B
Ngay sau khi vào cơ thể, virus HBV bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt gan, phá hủy và làm rối loạn hoạt động của tế bào gan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Suy giảm chức năng gan: Virus HBV phá hủy tế bào từ bên trong, gây tổn thương gan và làm suy giảm các chức năng gan như thải độc, lọc máu, chuyển hóa chất, tổng hợp chất…
- Gan nhiễm mỡ: Quá trình phân giải Triglyceride ở gan bị suy giảm, khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây gan nhiễm mỡ.
- Xơ gan: Trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn, viêm gan B nếu không điều trị sẽ thành xơ gan, ngăn chặn dòng máu đi qua gan, làm suy giảm trầm trọng chức năng gan.
- Ung thư gan: Viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, sau 10 năm hoặc sớm hơn sẽ tiến triển thành ung thư gan.
Phụ nữ mang thai bị viêm gan B có thể truyền bệnh cho con khi sinh. Điều này đúng đối với cả trường hợp sinh thường lẫn sinh mổ. Do đó, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để tiến hành xét nghiệm viêm gan B.

4. Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh viêm gan B
Trên cơ sở lâm sàng, không thể phân biệt viêm gan B với viêm gan do các tác nhân virus khác gây ra. Do đó, việc xác nhận chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là điều cần thiết. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B.

5. Điều trị bệnh viêm gan siêu vi B
* Điều trị ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B sau khi phơi nhiễm: Nếu nghi ngờ mình đã tiếp xúc với virus viêm gan B và không chắc bản thân đã được tiêm phòng hay chưa, người bệnh cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ. Tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với virus có thể giúp bạn tránh mắc bệnh.
* Điều trị viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi. Do đó, thay vì điều trị bằng các phương pháp y khoa, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng virus hoặc nhập viện để ngăn ngừa các biến chứng.
* Điều trị viêm gan B mạn tính
Hầu hết người được chẩn đoán viêm gan B mạn tính sẽ cần điều trị suốt đời. Việc điều trị giúp giảm nguy cơ biến chứng ở gan nguy hiểm và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng.

6. Các biện pháp phòng ngừa khác
Ngoài tiêm phòng, viêm gan B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách:
- Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể.
- Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở.
- Đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay.
- Quan hệ tình dục an toàn.

 

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay3,746
  • Tháng hiện tại62,794
  • Tổng lượt truy cập4,514,933
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây