Cảnh báo biến chứng viêm loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Thứ tư - 17/11/2021 20:30
Vừa qua Khoa nội tiết- Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân C.V.L 54 tuổi, trú tại Huyện Trùng Khánh Nhập viện trong tình trạng sưng, đau đỏ ngón bàn chân phải, chảy ít dịch mủ màu xanh, tê bì nhiều đầu chi. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp nhiều năm nay. Dùng thuốc theo đơn của Phòng khám mãn tính Bệnh viện tỉnh , khoảng 2 tuần nay xuất hiện sưng, đau ngón chân cái bàn chân phải, nhưng chủ quan nên đã không đi khám sớm, đến khi vết sưng đau nhiều mới đi khám và điều trị ở Bệnh viện huyện. Vết sưng ngày càng loét ra, nhiễm trùng không khỏi bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Sau khi các Bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm được chẩn đoán: Đái tháo đường type 2/BN tăng huyết áp/Viêm đa dây thần kinh do tiểu đường, nhiễm khuẩn khu trú ngón chân cái bàn chân phải. Hiện tại đang được điều trị tại Khoa Nội tiết-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét hoại tử bàn chân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi, tàn phế của bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh nhân do chủ quan, điều trị không đúng dẫn tới bệnh biến chứng nặng, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Theo Bác sỹ chuyên khoa khoa Nội tiết, viêm loét hoại tử bàn chân là một trong các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Quá trình nhiễm trùng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường có thể tiến triển nhanh và nguy hiểm khi có sự kết hợp đồng thời của biến chứng thần kinh và mạch máu, làm giảm lưu lượng máu giàu oxy đến các mao mạch dưới bàn chân, các tế bào chết không được dọn dẹp, khiến da khô, dày sừng và dễ bị nứt nẻ, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua lớp biểu bì bảo vệ da. Tổn thương dây thần kinh vô tình đã làm mất đi cảm giác đau, khiến người bệnh khó có thể nhận ra những vết loét đang tiến triển ngày một nặng hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh không biết mình bị bệnh hoặc do chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, không biết cách chăm sóc bàn chân, hoặc là tự ý đi điều trị đến khi biến chứng nặng loét bàn chân rồi mới đi khám.
Biến chứng tiểu đường ở chân có thể gây ra những dấu hiệu sớm như:Tê bì bàn chân, Nóng rát da, Khô ngứa da, chai chân, Vết thương, vết loét lâu lành, chuột rút hoặc đau nhức.
Bệnh nhân đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10 - 15 lần so với người không bị đái tháo đường. Nhiễm trùng ở người tiểu đường rất khó điều trị, thời gian hồi phục lâu, đôi khi vết loét có thể ăn vào đến xương gây hoại tử và hậu quả cuối cùng là phải cắt đoạn chi dẫn đến tàn phế. Chăm sóc bàn chân và kiểm soát tốt biến chứng thần kinh do tiểu đường là một trong những mục tiêu quan trọng để phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ loét bàn chân tiến triển. Để phòng tránh biến chứng do bệnh đái tháo đường, người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ chuyên khoa để ổn định đường huyết, không tự ý bỏ trị, không tự mua thuốc lá, thuốc nam để điều trị, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và chế độ luyện tập thể dục, thể thao hợp lý…Khi bệnh nhân phát hiện có các biến đổi bất thường ở bàn chân cần đi khám ngay để tránh các biến chứng đáng tiếc.
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng: