Tại Đơn vị đột quỵ, quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp được kích hoạt. Các bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực khẩn trương thăm khám, nhận định tình trạng, phát hiện bệnh nhân liệt nửa người trái, méo miệng và nói khó. Bệnh nhân được chụp phim CT Scan não - mạch máu não cấp cứu và được xác định đột quỵ não. Tiến hành hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa trực thường trú và hội chẩn trực tuyến với tuyến trên để đưa ra các phương án điều trị kịp thời, hiệu quả. Kết quả hội chẩn thống nhất chẩn đoán bệnh nhân đột quỵ não chỉ định điều trị thuốc tiêu huyết khối. Sau 01 giờ tiêm thuốc, bệnh nhân tỉnh táo, trả lời được và cử động được tay chân trái theo y lệnh, giảm rõ méo miệng.
Với sự phối hợp nhanh chóng, hiệu quả của ca trực và các bộ phận liên quan trong những giờ đầu tiên ngay sau khi người bệnh có triệu chứng liệt nửa người, đơn vị Đột quỵ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đã can thiệp kịp thời và xoay chuyển tình trạng của bệnh nhân một cách ngoạn mục. Giúp cho bệnh nhân tránh khỏi tình trạng tàn phế do căn bệnh đột quỵ.
Theo người nhà bệnh nhân kể, lúc 17h cùng ngày, bệnh nhân đang ăn cơm tự nhiên xuất hiện nói khó, méo miệng, từ từ ngã xuống, yếu liệt nửa người, do người nhà có biết được các dấu hiệu như vậy có thể liên quan đến đột quỵ nên đã nhanh chóng đưa đến Bệnh viện nhanh nhất.
Qua ca bệnh này, các bác sỹ khuyến cáo như sau: Nếu nghi ngờ người thân bị Đột quỵ, đừng chần chờ, hãy đưa ngay đến Bệnh viện. Thời gian vàng của điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp kể từ lúc khởi phát triệu chứng là: 4.5 giờ đối với thuốc tiêu huyết khối và 6 giờ đối với can thiệp lấy huyết khối cơ học.
Đột quỵ nhồi máu não xảy ra do tình trạng tắc nghẽn động mạch não gây tổn thương nhu mô não do động mạch đó chi phối. Đột quỵ nhồi máu não có tỷ lệ tử vong cao, mức độ di chứng nặng nề. Việc chẩn đoán, xử trí đột quỵ cấp trong giờ "vàng", tái thông nhanh chóng mạch máu bị tắc có ý nghĩa quan trọng. Với trường hợp người bệnh này, gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời nên được cứu sống, không để lại di chứng.
Đột quỵ não đòi hỏi sự can thiệp kịp thời, sẽ giúp não được cung cấp máu trở lại nhằm duy trì hoạt động, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chết tế bào não, để lại những di chứng tàn phế không hồi phục, thậm chí tử vong.
Từ khi Đơn vị đột quỵ thuộc khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập đã điều trị thành công cho một số trường hợp bị đột quỵ não. Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì thế người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não. Khi xử trí người bệnh đột quỵ, người thân nên liên hệ hệ thống cấp cứu để được hướng dẫn sơ cứu tại chỗ và chuyển người bệnh đến các bệnh viện có đơn vị đột quỵ trong thời gian sớm nhất để đạt hiệu quả cao nhất. Cần hạn chế tự chuyển người bệnh bằng các xe không chuyên dụng có thể gây các tổn thương thứ phát. Đặc biệt không được cạo gió, trích máu, hoặc cho người bệnh uống thuốc, nhất là các thuốc truyền miệng để tránh mất thời gian vàng, không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho người bệnh.
Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua các cổng thông tin y tế chính thống. Bên cạnh đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động… Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ nên đến ngay trung tâm đột quỵ chuyên sâu gần nhất để chẩn đoán và xử trí nhanh nhất.