Người bệnh mạn tính cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

Thứ ba - 04/04/2023 22:35
Khi mắc các bệnh mạn tính người bệnh cần dùng thuốc điều trị kéo dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời, đặc biệt cần có ý thức tuân thủ chặt chẽ dưới hướng dẫn của bác sỹ.
Tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ là biện pháp đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh.
Tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ là biện pháp đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh.
Tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về xương khớp… là những bệnh mạn tính rất thường gặp. Người bệnh (nhất là người cao tuổi) có thể bị hơn 1 bệnh mãn tính, chưa kể mắc thêm các bệnh cấp tính kèm theo. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Lão khoa trung ương, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh. Do mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên phải dùng nhiều loại thuốc… làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị. Vậy đối với những người bệnh này cần dùng thuốc như thế nào?

Đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, việc điều trị được tính từ khi bạn mắc bệnh đến hết cuộc đời. Trong thực tế, với tâm lý chủ quan coi thường bệnh, mà người bệnh không tuân thủ dùng thuốc hoặc vô ý quên uống thuốc đã gây ra nhiều hệ luỵ xấu. Đó là làm cho bệnh từ nhẹ trở thành nặng hoặc không dung nạp thuốc. Khi đó, người bệnh sẽ phải chuyển từ thuốc uống sang thuốc tiêm và việc tiêm thuốc sẽ khó thực hiện và phức tạp hơn việc dùng thuốc đường uống. Nguy hiểm hơn, do không kiểm soát được đường máu, khiến đường máu tăng cao bất thường dẫn tới hôn mê. Hơn nữa, các biến chứng tổn thương trong đái tháo đường mang tính chất vi thể và nặng dần từng bước, nếu không tuân thủ dùng thuốc sẽ dẫn đến sự phá hủy cấu trúc cơ sở của sự sống, đó là các mạch máu. Khi các mạch máu bị tổn thương thì các cơ quan sẽ suy yếu dần không thể hồi phục được. Người bệnh sẽ mắc phải các biến chứng rất nặng như đột quỵ, mù lòa, suy tim, suy thận và khó khắc phục…
Thuốc chống đái tháo đường thường duy trì tác dụng trong vòng 24 giờ. Vì vậy người bệnh cần uống thuốc đều đặn hàng ngày. Việc uống thuốc đều đặn sẽ giúp cho người bệnh có khả năng giảm được liều thuốc uống và tránh được các biến chứng của bệnh. Người bệnh sẽ không phải mất quá nhiều chi phí cho các điều trị phức tạp bao gồm chạy thận nhân tạo, can thiệp mạch, bắc cầu vành… do biến chứng tiểu đường gây ra. Đây là những điều trị cao cấp và rất tốn kém.

Tăng huyết áp
Đối với người bệnh tăng huyết áp, thuốc điều trị nhằm giúp người bệnh kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu, chứ không phải chữa trị được dứt điểm căn bệnh này. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, nếu người bệnh ngừng thuốc huyết áp có thể tăng đột ngột và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe như đột quỵ, tai biến mạch máu não…
Chỉ có bác sỹ mới có thể quyết định loại thuốc điều trị nào tốt nhất và phù hợp nhất với bạn. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh như các yếu tố nguy cơ tim mạch, các bệnh lý mắc kèm hay có sự tổn thương các cơ quan như suy thận, suy tim, dày thất trái… hay không để lựa chọn thuốc, tính toán liều lượng phù hợp với cơ thể người bệnh. Ví dụ, nếu người bệnh bị tiểu đường, kèm theo tăng huyết áp, bác sĩ có thể lựa chọn một thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II để giúp bạn kiểm soát huyết áp và bảo vệ thận khỏi tác hại của bệnh tiểu đường.
Vì vậy, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ, không nên tự ý lựa chọn và mua thuốc về sử dụng hay nghe sự mách bảo của người khác. Thuốc điều trị tăng huyết áp hiệu quả không có nghĩa là thuốc đắt tiền, hay được người khác sử dụng hiệu quả.
Điều quan trọng là người bệnh phải uống thuốc huyết áp đều đặn, hàng ngày và vào một giờ nhất định trong ngày. Ngoài dùng thuốc người bệnh cần có những thói quen, lối sống lành mạnh như: tăng vận động thể lực, giảm cân, ăn giảm muối, giảm chất béo bão hòa, nói không với thuốc lá, rượu bia…
Ngoài ra, cần lưu ý khi uống thuốc huyết áp cùng với các loại thuốc điều trị bệnh thông thường khác, vì có thể gây ra tương tác bất lợi như làm nặng thêm bệnh huyết áp hoặc giảm hiệu  lực của thuốc hạ huyết áp đang dùng.

Bệnh về xương khớp
Các bệnh về xương khớp thường gặp như viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp, loãng xương… Đau, viêm  là những triệu chứng nổi bật, nên người bệnh hay tìm đến các loại thuốc giảm đau, chống viêm… Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng trị bệnh thì các thuốc này lại gây ra nhiều tai biến. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh người bệnh cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.
Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đúng liều, tuân thủ lộ trình và thời gian điều trị. Đây là những việc tưởng chừng như rất đơn giản khi điều trị bệnh khớp, nhưng không phải người bệnh nào cũng làm đúng, làm đủ. Vậy nên, rất nhiều bệnh nhân khớp dù đã chữa trị bằng nhiều phương thuốc khác nhau nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn dùng thuốc như: Thời điểm uống thuốc (trước, trong hay sau khi ăn), khoảng cách giữa hai lần uống thuốc, uống thuốc với nước đun sôi để nguội… để phát huy hiệu quả tối đa của thuốc. Người bệnh cũng không nên uống thuốc khi đang nằm, vì với tư thế này, thuốc dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương thực quản.

Lưu ý chung
Mặc dù có cùng bệnh nhưng thuốc kê đơn cho từng người bệnh là khác nhau vì vậy, người bệnh không được mượn đơn thuốc hoặc mách bảo nhau dùng thuốc.
Tuân thủ tái khám đúng hẹn. Việc tái khám sẽ giúp cho bác sĩ đánh giá lại điều trị xem có hiệu quả không, và hiệu quả đến đâu… để điều chỉnh thuốc cho phù hợp, thậm chí phải thay thuốc (khi cần thiết).
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần biết theo dõi, phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra. Những dấu hiệu này có thể là do bệnh (nặng hơn) hoặc do tác dụng bất lợi của thuốc để thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, kịp thời. Vì có những tác dụng phụ do thuốc chỉ nhẹ và thoáng qua thì không cần ngừng thuốc, nhưng nếu tác dụng phụ nặng, gây ảnh hưởng lớn cho người bệnh cần phải ngừng thuốc (hoặc thay thuốc khác) và được điều trị thích hợp.

Khi mắc thêm các bệnh cấp tính khác, ví dụ như cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy… Đây chỉ là những bệnh thông thường có thể dùng các thuốc OTC (không cần kê đơn) nhưng đối với người bệnh đang dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính không được tự ý mua thuốc về uống, để tránh các tương tác bất lợi do thuốc gây ra. Ví dụ, đối với ngưuời bệnh tăng huyết áp, dùng thuốc trị cảm cúm, hoặc dùng nhóm co mạch (trị ngạt mũi) sẽ làm cho huyết áp trở nên khó kiểm soát. Nguyên nhân là các thuốc này có tác dụng phụ gây tăng huyết áp. Vì vậy, nếu đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cần tuyệt đối tránh các thuốc làm huyết áp tăng lên như các chất phối hợp kháng dị ứng, trị sổ mũi, nghẹt mũi có trong thành phần của nhiều loại thuốc trị cảm sốt...

 

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,830
  • Tháng hiện tại63,817
  • Tổng lượt truy cập4,515,956
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây