NHẬN BIẾT VÀ XỬ TRÍ MỘT SỐ BỆNH LÝ VỀ DA Ở TRẺ SƠ SINH.

Thứ tư - 29/03/2023 03:13
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên bị các yếu tố bên ngoài tấn công gây bệnh là việc rất dễ xảy ra. Nhất là các căn bệnh ngoài da rất dễ tấn công đến làn da non nớt chưa có khả năng tự vệ của trẻ.
NHẬN BIẾT VÀ XỬ TRÍ MỘT SỐ BỆNH LÝ VỀ DA Ở TRẺ SƠ SINH.
Trên thực tế, đa số các bệnh về da ở trẻ sơ sinh đều không nguy hiểm đến tính mạng và có thể tự khỏi sau một thời gian nếu được chăm sóc tốt. Tuy vậy, các bậc cha mẹ cũng nên cảnh giác phát hiện và xử lý kịp thời đối với những căn bệnh này để hạn chế những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ khiến trẻ mất tự tin khi trưởng thành.

Vàng da là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng da và mắt của trẻ chuyển sang màu vàng do thừa bilirubin trong máu – một sắc tố vàng của hồng cầu. Vàng da thường xảy ra khi gan của trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành để thực hiện chức năng thanh lọc bilirubin ra khỏi cơ thể. Do đó, trẻ sinh non và một số trẻ bú sữa mẹ dễ bị vàng da hơn. Tuỳ cơ địa và tình trạng bệnh lý, vàng da ở trẻ được chia thành 2 mức độ: Vàng da sinh lý (xuất hiện 1 ngày sau sinh, mức độ vàng nhẹ, chỉ tập trung ở vùng mặt, cổ, ngực và bụng); Vàng da bệnh lý (mức độ vàng đậm, toàn thân và cả mắt, không thể tự khỏi sau 1-2 tuần, bệnh thường đi kèm với các biểu hiện triệu chứng như lừ đừ, bỏ bú, co giật).

Vàng da sinh lý có thể tự khỏi, không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và không cần can thiệp gì thêm nhưng vàng da bệnh lý nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng vàng da nhân não dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển ở trẻ. Vàng da bệnh lý có thể điều trị bằng liệu pháp ánh sáng và bú mẹ thường xuyên để tăng khả năng đào thải bilirubin trong máu của trẻ.

Hăm tã cũng là một trong những bệnh lý về da ít được nhiều phụ huynh quan tâm. Khi tã ướt hoặc bẩn để quá lâu, vùng da quanh bộ phận sinh dục và mông bé thường nổi mẩn đỏ. Nghiêm trọng hơn, hăm tã có thể dẫn đến bệnh nấm men candida và nhiễm trùng da. Biểu hiện ban đầu của bệnh là vùng da tiếp xúc với tã hơi đỏ, hoặc nặng hơn là nứt nẻ, đóng vẩy, dẫn tới mưng mủ. Cách xử trí tốt nhất để ngăn ngừa hăm tã là mẹ nên thường xuyên thay tã và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Khi thay tã, mẹ nên rửa mông bé với xà bông cho trẻ và nước ấm, có thể ngâm mông bé vào chậu nước ấm khoảng 30-60 giây. Dùng kem hăm thoa vào vùng da bị hăm, nếu cần lấy thêm kem thì dùng ngón tay khác thay vì ngón cũ. Thường xuyên để da bé thông thoáng, thay vì bịt kín tã cả ngày.

Viêm da tiết bã cũng nằm trong danh sách các bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng tuổi, chiếm khoảng 10% trường hợp. Bệnh thường xuất hiện ở da đầu và những vùng nhiều chất nhờn như sau tai, dưới lông mày hoặc mũi, nách. Những vảy nhờn có màu vàng hoặc trắng, những mảng tróc như gàu gây ngứa, khó chịu. Nguyên nhân của tình trạng này do vi khuẩn nấm hoặc hormone làm tăng tiết chất nhờn ở nang lông gây ra. Đối với trẻ bị viêm da tiết bã, cần được gội đầu thường xuyên bằng dầu gội dành cho trẻ sơ sinh, dùng tay xoa nhẹ lên da đầu hoặc dùng bàn chải mềm chải da đầu để vảy tróc dần dần. Không nên chà xát mạnh hoặc dùng dầu gội trị gàu người lớn để tránh tổn thương da của bé. Có thể sử dụng thuốc mỡ để hỗ trợ điều trị nhưng cần sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh sẽ được cải thiện khi trẻ lên 4 tuổi.
Bên cạnh đó còn 1 số bệnh về da khác ở trẻ kể đến như: Mụn đỏ (thường xuất hiện ở da mặt khi trẻ được 2-3 tuần tuổi); Ban đỏ là các nốt phát ban với phần trung tâm vàng hoặc trắng, xung quanh đỏ, thường xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể trẻ khi mới sinh hoặc trong vòng 2-3 tuần đầu tiên; Mụn đầu trắng, xảy ra ở các bé sinh cận ngày dự sinh hoặc trễ hơn, chủ yếu ở vùng mũi; Bớt sắc tố (hay bớt Mông Cổ) là vùng da màu xanh xám thường xuất hiện ở khu vực gần mông trẻ lúc mới sinh hoặc trong những tuần đầu tiên. Vết bớt này có thể nhạt dần khi trẻ 2 tuổi và biến mất khi trẻ 5 tuổi. Đa số những bệnh lý kể trên đều an toàn với trẻ, đa số bệnh sẽ tự lành và biến mất vài giờ sau sinh hoặc kéo dài 1-2 tháng mà không cần can thiệp y khoa.

Làn da non yếu cùng hệ miễn dịch chưa hoàn thiện luôn khiến tình trạng da của trẻ nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết. Do đó chủ động phòng ngừa luôn là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ làn da của trẻ. Từ đó các bác sỹ khuyến cáo: Đối với các trẻ sơ sinh, da thường rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng nhiều do tác nhân từ bên ngoài vào. Để dự phòng và tránh không gây nên những bệnh lý về da thì gia đình nên mặc cho trẻ mặc quần áo thoáng, rộng, không nên quấn quá chặt hay quá kỹ. Vì khi mặc quá kín dễ gây tình trạng nóng, viêm da cho con. Hạn chế sử dụng những sản phẩm sữa tắm gây kích ứng, nên dùng những sản phẩm dành riêng cho các trẻ sơ sinh để vừa có tác dụng dưỡng ẩm, vừa làm mềm da. Ngoài ra, gia đình cũng cần lưu ý những vấn đề về tắm, vệ sinh, đồ ăn hoặc sữa ngoài. Vì một số trẻ khi ăn những sữa không hợp có thể gây nổi mẩn ở da. Nên hạn chế tất cả những sản phẩm ngoài sữa mẹ, đặc biệt là với trẻ dưới 6 tháng.

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,746
  • Tháng hiện tại63,435
  • Tổng lượt truy cập4,515,574
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây