Tiếp nhận, xử trí bệnh nhân viêm mủ toàn nhãn do tai nạn lao động
Thứ tư - 01/06/2022 03:08
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nữ, 58 tuổi, nhập viện với lý do đau nhức mắt trái, đỏ mắt, mờ mắt, chói cộm. Theo lời người nhà kể, trước lúc vào viện khoảng 2 tháng bệnh nhân đi cuốc đất bị bắn vào mắt, sau tai nạn mắt trái không nhìn thấy gì, đau nhức, chảy nước mắt và mủ nhiều. Qua thăm khám được các bác sĩ chẩn đoán: Viêm mủ toàn nhãn mắt trái, được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật múc nội nhãn do mắt chức năng không còn khả năng điều trị bảo tồn.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị, theo dõi tại Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định. Mắt là giác quan rất quan trọng của con người, trong dân gian có câu nói “giàu 2 bàn tay khó 2 con mắt” về tầm quan trọng của mắt đối với đời sống con người. Mắt có thể bị tổ thương do nhiều nguyên nhân như tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tác nhân gây bỏng…
Khi xảy ra tai nạn có tổn thương ở mắt vấn để cấp cứu, xử trí các tổn thương này có ý nghĩa quan trọng. Xử trí chấn thương ban đầu đúng cách sẽ tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn và giúp phần xử lý tiếp theo được thuận lợi và góp phần phục hồi mắt về sau tốt hơn.
Nếu là chấn thương đụng dập như bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt nên sử dụng băng che mắt lại và nếu chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu, các trường hợp có vết thương xuyên thủng nhãn cầu kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu phải được cầm máu và đưa bệnh nhân đến nơi cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được xử trí kịp thời, giảm thiểu các biến chứng.
Đối với dị vật kết giác mạc (bụi, mạt sắt), tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy lòng đen. Hãy chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài. Nếu không được, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được lấy ra.
Qua trường hợp bệnh nhân này, các Bác sĩ khoa mắt khuyến cáo, khi có bất kỳ dị vật nào rơi vào mắt cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt sớm để tránh các biến chứng nặng nề. Do chấn thương mắt có thể gây mù loà, ảnh hưởng thẩm mĩ và việc điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, phòng tránh chấn thương, bảo vệ mắt là biện pháp hiệu quả, thiết thực nhất. Khi làm việc ở trong môi trương có thể xảy ra các tác nhân có thể gây tổn thương mắt phải có phương tiện phòng hộ cho mắt như đeo kính hoặc các biện pháp hạn chế gây ra tác nhân như đảm bảo sự chú ý trong khi làm việc, động tác chính xác, kỹ thuật thành tạo để hạn chế tai nạn…
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng: