VÀNG DA SƠ SINH: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, ĐIỀU TRỊ & PHÒNG NGỪA

Thứ tư - 08/02/2023 02:21
Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Với trẻ sơ sinh đủ tháng, 60% trẻ có hiện tượng vàng da. Tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sơ sinh non tháng (80%). Vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý chiếm 75% các trường hợp vàng da sơ sinh, trẻ có biểu hiện vàng da nhẹ, không ảnh hưởng đến trẻ nên không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, với trường hợp vàng da bệnh lý có thể tiến triển nhanh, để lại di chứng nặng nề cho trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ có các dấu hiệu vàng da sơ sinh cần được thăm khám và điều trị kịp thời
Trẻ có các dấu hiệu vàng da sơ sinh cần được thăm khám và điều trị kịp thời
Vàng da sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng, thường là do tăng bilirubin gián tiếp – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xuất hiện ở khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non. Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có khi tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh (bệnh lý não cấp và mạn do bilirubin), do bilirubin gián tiếp thấm vào não. Hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.
Vàng da sinh lý
Trẻ sơ sinh có hiện tượng vàng da do trẻ có số lượng hồng cầu trong máu lớn, hồng cầu chứa HbF nên đời sống hồng cầu ngắn (hồng cầu vỡ ra giải phóng các yếu tố bên trong hồng cầu gây nên chuyển hóa tăng bilirubin tự do), chức năng gan của trẻ còn kém, đồng thời khả năng bài tiết mật của gan cũng chưa trưởng thành. Ở trẻ đủ tháng, sức khỏe bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
  • Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.
  • Tự hết trong vòng 7-10 ngày.
  • Vàng da ở mức độ nhẹ (chỉ vàng da vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
  • Chỉ là vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì…
  • Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng.
  • Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Vàng da sinh lý không cần can thiệp y tế. Chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng vàng da sẽ biến mất trong vòng 1 đến 2 tuần. 
Vàng da bệnh lý
Vàng da được coi là bệnh lý khi vàng da xuất hiện sớm, vàng da tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều và thường kèm các triệu chứng bệnh lý khác. Những ngày đầu sau sinh là  “thời điểm vàng” để bố mẹ theo dõi tình trạng vàng da ở trẻ. Những bất thường đó là:
  • Vàng da đậm xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh;
  • Vàng da không chỉ xuất hiện ở mặt, mắt mà còn lan đến bụng, cánh tay, chân;
  • Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ non tháng;
  • Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
  • Vàng da ở trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai
Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để được chẩn đoán và điều trị vàng da sơ sinh càng sớm càng tốt, tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
Phát hiện vàng da sơ sinh bằng cách nào?
Vàng da xuất hiện đầu tiên ở mặt và củng mạc, tiếp đến là thân mình, đến cẳng tay, cẳng chân và cuối cùng tới lòng bàn tay và bàn chân. Bệnh được phát hiện bằng cách dùng ngón tay ấn vào da trong khoảng 5 giây, buông ra quan sát xem da có vàng không, tốt nhất là quan sát dưới ánh sáng tự nhiên.
Thông thường, bác sĩ sử dụng máy đo bilirubin qua da (BILI check) để kiểm tra mức độ vàng da. Tuy nhiên thực tế, kết quả qua máy đo này có thể sai số so với kết quả xét nghiệm máu khoảng 3-5 mg%. Do đó, nếu kết quả đo qua da bất thường nhiều thì bác sĩ sẽ xem xét cho xét nghiệm máu để định lượng bilirubin và xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị vàng da có thể do một trong các nguyên nhân sau: 
Tăng sản xuất bilirubin
Bilirubin dư thừa (tăng bilirubin trong máu) là nguyên nhân chính gây ra vàng da. Bilirubin là sắc tố có màu vàng cam, được hình thành trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Các nguyên nhân gây tăng sản xuất bilirubin trong máu trẻ bao gồm:
  • Bất đồng nhóm máu mẹ con: Nhóm máu mẹ và con bất tương hợp nên hệ thống miễn dịch của mẹ có thể phá hủy hồng cầu của con. Thường gặp là bất đồng nhóm mẹ- con máu hệ ABO (mẹ có nhóm máu O sinh con có nhóm máu A hoặc B) và bất đồng nhóm máu mẹ- con hệ Rh (mẹ có nhóm máu Rh âm, sinh con có nhóm máu Rh dương)
  • Bệnh lý tại hồng cầu làm cho hồng cầu dễ vỡ: thiếu men G6PD, bệnh lý màng hồng cầu, Thalassemia.
  • Vết bầm máu to ở trẻ khi sinh.
Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do trẻ bị một trong các bệnh lý: hội chứng Crigler-Naajar, hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền (galactosemia, suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa tyrosin, methionin, thiếu α1 antitrypsin…), trẻ sinh non, thiếu hụt hooc-môn, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ.
Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột (tăng chu trình ruột gan)
Những trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột phân su, sử dụng thuốc gây liệt ruột… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, dẫn tới vàng da.
Vàng da sữa mẹ
Một số trẻ trong vài ngày đầu bú không đủ do trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc mẹ chưa tiết đủ sữa. Tình trạng này khiến trẻ mất nước, thiếu năng lượng và tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột gây vàng da.
Để khắc phục, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn và theo dõi cân nặng trẻ. Không nhất thiết phải ngưng bú mẹ nếu trẻ vẫn bú tốt, tăng cân và khỏe mạnh.
Các phương pháp điều trị vàng da sơ sinh
Vàng da nhẹ thường sẽ tự hết khi gan của trẻ bắt đầu trưởng thành. Cho trẻ bú thường xuyên (từ 8 – 12 lần/ngày) sẽ giúp trẻ đào thải bilirubin qua cơ thể.
Tình trạng vàng da nặng hơn có thể cần đến các phương pháp điều trị khác, bao gồm:
  • Chiếu đèn: là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, khá an toàn, đơn giản và kinh tế.
  • Thay máu: được chỉ định khi trẻ có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do bilirubin trong máu tăng cao.
Phòng ngừa vàng da sơ sinh
Cách phòng bệnh vàng da sơ sinh tốt nhất là cho trẻ bú sữa đầy đủ:
  • Nếu trẻ bú mẹ: Cho trẻ bú từ 8 – 12 cữ mỗi ngày để đảm bảo trẻ không bị mất nước, giúp cơ thể đào thải bilirubin nhanh hơn.
  • Với trường hợp trẻ không được bú mẹ (do bệnh lý của mẹ), trẻ có thể phải bú sữa công thức: Cho trẻ bú khoảng 30 – 60 ml sữa công thức mỗi 2 – 3 giờ trong tuần đầu tiên.
Ngoài ra, mẹ nên xét nghiệm nhóm máu trước khi mang thai. Sau khi sinh, bé cũng sẽ được xét nghiệm nhóm máu. Việc làm này sẽ giúp loại trừ (hoặc xác định) nguy cơ bé bị vàng da sơ sinh do không tương thích với nhóm máu của mẹ, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.
Những thắc mắc về bệnh vàng da sơ sinh
Tại sao phương pháp chiếu đèn giúp điều trị vàng da sơ sinh? Khi nào có chỉ định chiếu đèn?
Khi bilirubin tăng đến ngưỡng phải điều trị (ngưỡng này thay đổi theo ngày tuổi, cân nặng và tình trạng của bé), bác sĩ sẽ cho bé chiếu đèn đặc biệt để điều trị vàng da. Dưới tác dụng của ánh sáng đèn, bilirubin sẽ chuyển dạng, từ dạng không hòa tan trong nước thành dạng có thể hòa tan trong nước và sẽ được đào thải qua gan (qua mật) và thận (qua nước tiểu). Để chiếu đèn hiệu quả, ánh đèn cần chiếu trực tiếp trên da: trẻ được cởi hết quần áo, chỉ mặc tã và che mắt. 
Đa số các trường hợp đều giảm vàng da sau chiếu đèn liên tục. Thời gian chiếu đèn phụ thuộc vào mức độ tăng bilirubin của trẻ. Nếu bilirubin tăng cao quá mức, có thể bé phải chiếu đèn hai mặt để nhanh chóng làm giảm bilirubin, tránh nguy cơ tổn thương não. Thông thường, sau ngưng chiếu đèn bé có thể vàng da lại, tùy mức độ vàng da và ngày tuổi của bé mà bác sĩ có thể cho chiếu đèn lại hay không.
Chiếu đèn điều trị vàng da có hại không?
Cho đến nay, chiếu đèn vẫn là biện pháp khá an toàn chấp nhận được so với nguy cơ tổn thương não và để lại di chứng não suốt đời nếu không điều trị vàng da, vì không còn biện pháp nào hiệu quả mà an toàn hơn. Chiếu đèn có thể có một số tác dụng phụ thoáng qua như: mất nước, tiêu lỏng, tăng hoặc hạ thân nhiệt, sạm da (da đồng), tổn thương võng mạc nếu không che mắt,  tăng nhẹ nguy cơ một số ung thư và co giật ở trẻ em. Tuy nhiên, có thể hạn chế những tác dụng phụ này bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hoặc truyền dịch khi bé ăn không đủ để tránh mất nước, che mắt cẩn thận khi chiếu đèn, lựa chọn đèn có ánh sáng và cường độ phù hợp như nguồn đèn LED ánh sáng xanh vốn ít tạo ra oxy hóa quang học. 
Tắm nắng có giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh không?
Ánh sáng mặt trời không thể điều trị các trường hợp vàng da sơ sinh bệnh lý. Do đó, khi thấy trẻ vàng da thì phải sớm đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.

 

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay2,000
  • Tháng hiện tại60,241
  • Tổng lượt truy cập4,512,380
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây