Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
- Do sức đề kháng yếu, nhất là đối với trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú sữa mẹ hoàn toàn
- Do dùng kháng sinh: Kháng sinh có thể tiêu diệt một số lợi khuẩn dẫn đến tiêu chảy, táo bón, đi phân sống.
- Do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường sống bị ô nhiễm.
- Trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện, chưa quen với việc tiêu hóa thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều đạm, nhiều đường, ít chất xơ, ít vitamin và khoáng chất.
- Chạy nhảy ngay sau ăn no ảnh hưởng đến các cơ dọc cơ vòng cơ chéo tại đường ống tiêu hóa.
- Stress tâm lý hoặc thức khuya kéo dài gây kích thích dây thần kinh X, gây tăng tiết dịch tiêu hóa, đặc biệt là dịch acid tại dạ dày gây mất cân bằng độ pH tại đường tiêu hóa.
Một số triệu chứng thường gặp ở trẻ bị bệnh rối loạn tiêu hóa:
- Đau bụng: Đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo… Đau thường chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình. Các cơn đau này gây khó chịu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tổng trạng của bé. Vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc, đôi khi bỏ ăn.
- Chán ăn: Trẻ ăn ít hoặc không chịu ăn. Mỗi cữ ăn hay cữ bú thường kéo dài hơn so với bình thường.
- Đầy bụng: Cảm giác no khi ăn một lượng thức ăn ít hơn so với lứa tuổi, làm trẻ không muốn ăn tiếp tục.
- Chướng bụng: Bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị. Khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang. Triệu chứng đầy bụng và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa.
- Ợ: Thường trẻ ợ do có nhiều hơi trong dạ dày. Nguyên nhân là do trẻ nuốt quá nhiều hơi khi ăn hoặc khi bú. Trẻ thường bứt rứt, vặn mình, đỏ mặt. Trẻ lớn và người lớn có cảm giác khó chịu vùng thượng vị. Ở các bệnh nhân này, ợ hơi mang lại cảm giác dễ chịu.
- Buồn nôn và nôn ói: Trẻ có cảm giác buồn nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất ói thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết. Nếu trẻ ói ra máu, dịch xanh hay dịch vàng, cần đưa trẻ đi khám để loại trừ các bệnh lý nặng như xuất huyết dạ dày, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, tắc ruột.
- Tiêu chảy: Tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tiêu chảy cấp thường hết sau 5 - 7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và tử vong. Các trường hợp này cần đến khám tại các cơ sở y tế.
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, các mẹ nên:
- Bù nước: cần cho trẻ uống thêm các loại nước sau: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín. Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tuy nhiên nếu trẻ quá "thèm", bạn có thể dùng nhưng phải pha loãng ít nhất 3-4 lần. Tránh các thức uống có cà phê. Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ. Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn). Nếu trẻ bị ói thì ngưng lại khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
- Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.
- Có thể cho trẻ uống thêm men tiêu hóa (probiotic) trong các ngày đầu của bệnh để giúp tái lập lại hệ vi sinh đường ruột sau khi bị rối loạn.
Đem trẻ đến cơ sở y tế ngay khi:
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt, rất khát nước.
- Trẻ nôn liên tục, sốt cao khó hạ.
- Trẻ đi tiêu phân có máu, li bì, khó đánh thức.
- Trẻ có co giật.
Lưu ý khi điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Để dùng thuốc trị rối loạn tiêu hóa an troàn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý:
- Nên đưa trẻ đi khám nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, để được phát hiện, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
- Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống.
- Tuân thủ theo đúng chỉ định về liều lượng thuốc và thời gian dùng thuốc của bác sĩ.
- Trong khi điều trị, nếu trẻ có triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng thực phẩm, chú ý cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin.
- Nên chế biến đồ ăn ít dầu mỡ, mềm và dễ tiêu hóa.
- Giữ gìn môi trường, vệ sinh thân thể sạch sẽ.
Ngoài ra, cũng cần thận trọng với các bài thuốc nam để trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ.