Phòng tránh dị ứng nổi mề đay khi thời tiết giao mùa.
Thứ hai - 04/03/2024 01:32
Thời tiết chuyển mùa, môi trường ô nhiễm, hay do ăn phải những thức ăn lạ là những yếu tố khiến bệnh mẩn ngứa, nổi mề đay xuất hiện.
Mề đay thường biểu hiện là các mụn nước, màu đỏ, hồng, trắng hoặc màu da, phát triển với nhiều kích cỡ. Bất kể chúng trông như thế nào, mề đay có xu hướng xuất hiện và biến mất trong vòng vài giờ. Một số người bị một lần và không bao giờ mắc lại. Có người tiếp tục nổi mề đay gần như hàng ngày trong sáu tuần hoặc lâu hơn thì được gọi là mề đay mạn tính. Các yếu tố có thể gây nổi mề đay: Phản ứng dị ứng với thực phẩm và các chất khác, chẳng hạn như thuốc (kháng sinh, đặc biệt là penicillin; thuốc aspirin và ibuprofen); Do bị kích hoạt vật lý (chẳng hạn như lạnh, nóng hoặc áp lực); Một tình trạng y tế (như nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn dịch). Nếu nguyên nhân mề đay có thể được xác định, cách điều trị tốt nhất là tránh hoặc loại bỏ chúng: - Tránh dùng loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh. Tắm thường xuyên có thể làm giảm ngứa và gãi (gãi làm nổi mề đay nặng hơn). - Tránh mặc quần áo chật vì mề đay có thể được giảm bớt bằng cách mặc quần áo rộng. - Không bơi một mình trong nước lạnh, tránh tiếp xúc với không khí lạnh, dùng khăn quàng quanh mũi và miệng khi thời tiết lạnh. - Tránh nắng: Mặc quần áo bảo hộ và thoa kem chống nắng. Đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng về tình trạng dị ứng, nổi mề đay.
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng: