Tĩnh mạch là mạch đưa máu về tim từ các cơ quan, bộ phận của cơ thể, hiện tượng suy giãn tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch là bệnh có hiện tượng tĩnh mạch bị phình ra nổi trên bề mặt da.
Đây là bệnh mạn tính, thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Hiện nay có xu hướng xuất hiện nhiều ở người trẻ, nhất là với người đứng, ngồi lâu như: giáo viên, nhân viên văn phòng... Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thậm chí có nguy cơ biến chứng loét chi, liệt chi.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường bị đau, mỏi, nặng ở chân. Thỉnh thoảng bị chuột rút, sưng ở bàn chân và mắt cá chân. Có thể bị ngứa ở những vùng tĩnh mạch bị giãn. Gây khó chịu và bất tiện người bệnh.
Ở giai đoạn phát triển, các triệu chứng sẽ bị nặng hơn. Chân sẽ phù nề, thường sẽ sưng ở vùng mắt cá hoặc bàn chân. Đôi lúc có cảm giác chân không mang vừa giày, dép. Thậm chí còn nhìn rõ cả tĩnh mạch nổi li ti ở vùng cổ chân. Ở cẳng chân xuất hiện vùng da bị chàm, thay đổi màu sắc.
Giai đoạn cuối, toàn bộ hệ thống tĩnh mạch ứ trệ hoàn toàn, vùng da bị chàm có thể bị loét, gây viêm nhiễm rất khó điều trị. Cục máu đông có thể sẽ xuất hiện trong tĩnh mạch và gây tắc mạch máu. Biến chứng này rất nguy hiểm, gây đột quỵ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân gây ra suy giãn tĩnh mạch chân có nhiều như: Yếu tố di truyền, chế độ làm việc không hợp lí, phải đứng hoặc ngồi quá nhiều, người mang thai hay bệnh nhân béo phì. Chế độ ăn uống không hợp lí, những người thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, uống đồ có gas, cồn nhiều, ít ăn rau, hoa quả, lạm dụng thuốc ngừa thai quá mức...
Bình thường, suy giãn tĩnh mạch không gây nguy hiểm đến tính mạng, chỉ ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày như gây khó chịu và mất thẩm mĩ. Tuy nhiên, biến chứng lại vô cùng nguy hiểm, sự hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch sẽ làm tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển và gây tắc mạch máu ở những chỗ khác, nguy hiểm nhất là gây tắc mạch máu ở phổi, có thể dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Các Bác sĩ khuyến cáo để hạn chế nguyên nhân gây ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch, cần tạo thói quen tập thể dục, thể thao. Nâng chân và đi bộ sau khi ngồi hoặc đứng lâu.
Hạn chế dùng giày cao gót khi không cần thiết, mặc đồ rộng rãi thoải mái không bó sát để giúp máu lưu thông thuận lợi.
Tăng cường bổ sung chất xơ ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch, nên bổ sung các loại rau, củ, trái cây và chia thành nhiều bữa để khả năng hấp thụ được tốt nhất.
Khi có dấu hiệu bệnh, nên đi khám và kiểm tra để được tư vấn, điều trị phù hợp nhất.