CN Nguyễn Duy Linh - Điều dưỡng trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Bó bột là phương pháp giúp bất động xương gãy và giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, tránh bị di lệch, thúc đẩy quá trình liền xương (nếu gãy xương); bảo vệ và giúp phần mềm chóng hồi phục (nếu tổn thương phần mềm). Ngoài ra bó bột còn giúp bệnh nhân giảm đau, giảm sưng nề và giảm co cơ sau chấn thương. Trong một số trường hợp, bó bột nhằm bất động tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật.
Sau bó bột, phần lớn bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ðể chăm sóc tốt bệnh nhân và người nhà cần chú ý như sau: Sau khi bệnh nhân xuất viện người nhà cần chuẩn bị giường, các vật dụng cần thiết như đệm lót, gối,…Người bệnh cần nằm trên giường có mặt phẳng cứng, người bệnh kê cao chi giúp máu trở về tim được dễ dàng, khi bột chưa khô không được che phủ làm bột lâu cứng. Tập gồng cơ trong bột, tập vận động chủ động đầu chi. Nếu cần di chuyển phải dùng nạng gỗ và sự giúp đỡ của người nhà để tránh bị ngã. Chăm sóc, vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, lau sạch các đầu ngón chân, tay. Thay quần áo thường xuyên. Thay đổi tư thế tránh loét điểm tỳ. Không làm ướt, bẩn bột, không dùng que chọc vào trong bột…
Do tình trạng bất động bột kéo dài nên bệnh nhân có tình trạng loãng xương cục bộ dẫn đến triệu chứng đau, nhức mỏi. Vì vậy, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung canxi, kể cả sau khi tháo bột để nâng cao thể trạng, đề phòng loãng xương và cải thiện nhanh các triệu chứng đau nhức mỏi. Chống táo bón bằng cách ăn thêm rau, hoa quả, uống nhiều nước.
Không được tự ý cắt bột, tháo bột, phải giữ bột đủ thời gian theo quy định. Cần đến cơ sở y tế khám lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Theo dõi nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu để đến cơ sở y tế xử trí kịp thời như bột chặt, lỏng hay tình trạng chèn ép bột, dị ứng bột...khi dị ứng bột sẽ có biểu hiện vùng băng bột đau nhức, tê bì, tím lạnh, mất cảm giác, nốt phỏng, ngứa, vết thương thấm dịch mùi hôi…
Khi hết đau chưa phải là xương đã liền chắc. Do đó, chỉ được tháo bột khi xương đã liền vững chắc và do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý tháo bột kể cả khi thấy các dấu hiệu liền xương vì nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da, hoặc xương không liền nếu chưa đủ thời gian bó bột.
Trong thời gian mang bột, tập gồng cơ trong bột giúp tăng cường máu đến nuôi dưỡng vùng tổn thương, hạn chế phù nề, loạn dưỡng, teo cơ. Sau tháo bột, tập phục hồi chức năng giúp nhanh chóng phục hồi sức mạnh của cơ, biên độ vận động của khớp.