Vừa qua, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận, xử trí bệnh nhi B.M.K. (5 tuổi, ở TP Cao Bằng) đi tắm tại hồ bơi cùng gia đình, không may bị đuối nước trong khoảng 2-3 phút. Sau khi sơ cứu trẻ được đưa đến viện trong tình trạng tỉnh, mạch nhanh, chân tay lạnh, da niêm mạc tím nhạt. Trẻ được đưa ngay vào khoa hồi sức, thở oxy, sưởi ấm và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, được các bác sĩ chẩn đoán: Viêm hai phổi, suy hô hấp/ Đuối nước. Sau 1 ngày điều trị tích cực, trẻ đã tỉnh táo, tổn thương phổi không quá nặng. Đây là trường hợp khá may mắn vì được phát hiện sớm.
Mẹ cháu cho biết: Lúc phát hiện cháu đuối nước, cả gia đình đã lo sợ, hoảng hốt. May mắn cháu đã được cứu sống, đây cũng là bài học cho gia đình và cho con.
Theo các bác sĩ, khi gặp trẻ đuối nước khi tiếp cận bệnh nhân, trước tiên phải loại bỏ yếu tố nguy cơ, tạo sự an toàn cho người bị nạn. Đó là, khi cứu bệnh nhân lên bờ, để người bệnh trên nền cứng, nếu thấy dị vật ở mũi, họng người bị nạn cần loại bỏ ngay. Tiếp sau đó hà hơi, thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Nếu có 2 người cùng sơ cứu cùng càng tốt, 1 người hà hơi, thổi ngạt, 1 người ép tim ngoài lồng ngực. Nếu chỉ có 1 người thì phải hà hơi, cứ 2 – 5 lần thì ép tim 15 nhịp (vị trí ½ dưới xương ức). Sau đó, nhanh chóng đưa ngay người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi đi chơi, nhất lã những khu vực nguy hiểm như cạnh đường giao thông, hồ bơi, hố sâu, đi du lịch ở những nơi vùng núi, nơi có địa hình không quen thuộc.... phụ huynh không nên tập trung vào những cuộc vui hay câu chuyện của người lớn mà luôn luôn giám sát, để mắt tới con trẻ. Người lớn luôn luôn phải dự tính tới khả năng rơi vào tình huống xấu nhất để có biện pháp đề phòng. Trẻ em mải vui chơi không lường hết được nguy cơ rình rập bên cạnh, nên các gia đình phải luôn quan tâm, giám sát trẻ khi cho các con đi chơi cùng bạn bè đến vùng có sông nước.
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng: