Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở đường thở, bao gồm từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí từ thanh quản, khí quản, phế quản… cho đến phổi.
Theo ước tính, trên toàn thế giới có khoảng 4.300 trẻ em tử vong do viêm phổi, mỗi ngày, cứ mỗi 20 giây sẽ lại có một trẻ tử vong do viêm phổi, 90% số này là ở các nước đang phát triển. Nhưng nếu được chăm sóc tốt, hầu hết trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ tự khỏi trong khoảng 10 - 14 ngày.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em được chia thành 2 loại:
- Viêm hô hấp trên, là viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng, thường do virut, nếu được chăm sóc tốt thì đa số trẻ sẽ tự khỏi.
- Viêm hô hấp dưới, là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Trong đó, viêm phổi chính là nguyên nhân gây nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó, trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ
Dấu hiệu thường thấy nhất của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ là ho, có thể kèm theo sốt hoặc không. Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc kèm các triệu chứng khác như đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, thở khò khè...
Đặc biệt, viêm phổi có triệu chứng sớm có thể phát hiện ở trẻ là thở nhanh.
• Trẻ dưới 2 tháng tuổi nhận biết thở nhanh là khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
• Nếu trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
• Nếu trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
Khi thấy trẻ thở nhanh, phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị sớm, bởi đây là triệu chứng sớm nhất báo hiệu trẻ bị viêm phổi.
Khi viêm phổi nặng, triệu chứng điển hình là trẻ khó thở, rút lõm lồng ngực, nghĩa là lúc trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Cần cho trẻ nhập viện ngay vì đây là triệu chứng cảnh báo nguy hiểm, viêm phổi nặng cần điều trị tích cực để tránh biến chứng và tử vong.
Trường hợp trẻ xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm sau cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay, vì tính mạng trẻ đang bị đe dọa nghiêm trọng:
• Tím tái;
• Co giật;
• Bỏ bú hoặc bú kém (trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi);
• Thở có tiếng rít;
• Ngủ li bì, khó đánh thức;
• Suy dinh dưỡng nặng.
Nếu trẻ dưới 2 tháng thì dấu hiệu sốt hoặc hạ nhiệt độ (trẻ lạnh), thở khò khè... cũng cần đưa trẻ đi khám ngay.
Cần làm gì khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại nhà?
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của đường thở nghĩa là từ tai – mũi – họng, thường có biểu hiện ho không quá 30 ngày. Nếu được chăm sóc tốt, đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 - 14 ngày. Tuy nhiên, khoảng 20 - 25% trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ diễn tiến thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp để tránh biến chứng và tử vong.
Khi trẻ bị ho, cảm lạnh, cha mẹ chăm sóc trẻ tại nhà tiếp tục cho trẻ ăn hoặc bú nhiều lần hơn; Cho trẻ uống đủ nước; Giảm ho; Dùng thuốc trị sốt, ho, khò khè... cho trẻ theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Không lạm dụng dùng thuốc kháng sinh, vì với trường hợp này thuốc không hiệu quả, gây tốn kém và có thể gây tác dụng phụ hoặc làm vi trùng kháng thuốc; Làm thông thoáng mũi giúp trẻ dễ thở, dễ bú hơn.
Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý theo dõi, phát hiện các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, cũng như các dấu hiệu nguy hiểm khác để đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay.
Để phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ và ngừa biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần:
• Nuôi dưỡng trẻ tốt với dinh dưỡng đầy đủ.
• Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh.
• Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo lịch.
• Cho trẻ uống vitamin và các nguyên tố vi lượng khác (sắt, kẽm...) theo hướng dẫn.
• Giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh.
• Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
• Tránh nơi ô nhiễm, khói bụi, nhất là khói bếp than, củi.
• Tránh cho trẻ gần gũi người đang bị cảm ho, tránh đến chỗ đông người khi có dịch.
• Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ.