Thời tiết chuyển lạnh cảnh giác với viêm da cơ địa ở trẻ

Thứ năm - 24/11/2022 02:04
Bệnh viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ em. Mặc dù là bệnh da mạn tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng viêm da cơ địa khiến trẻ ngứa nhiều và thường hay tái phát, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.
Thời tiết chuyển lạnh cảnh giác với viêm da cơ địa ở trẻ
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ.

Viêm da cơ địa ở trẻ hiện không có nguyên nhân chính xác gây ra, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố như: di truyền, môi trường và rối loạn đáp ứng miễn dịch khiến trẻ mắc phải căn bệnh này. Từ thực tế ghi nhận vào mùa lạnh, hanh khô làm cho da khô hơn, nên các trẻ bị viêm da cơ địa thường nặng hơn về mùa đông và đỡ hơn vào mùa hè.

Việc sử dụng xà phòng, tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa cũng làm bệnh viêm da cơ địa nặng lên. Các yếu tố điều kiện vệ sinh kém,nhiễm khuẩn, thức ăn... cũng làm khởi phát đợt cấp của viêm da cơ địa.
Nhiều trẻ bị viêm da cơ địa có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này hoặc mắc các bệnh dị ứng khác như: Hen suyễn, viêm mũi dị ứng, mày đay, dị ứng theo mùa... Dù hiếm gặp nhưng cũng có trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh liên quan đến dị ứng thực phẩm, ví dụ như dị ứng sữa bò hay trứng.

Biểu hiện và những biến chứng có thể gặp.

Biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa rất đa dạng, nếu ở trẻ nhỏ khi còn bú mẹ hay gặp chàm sữa là tình trạng khô đỏ hai má. Đối với trẻ lớn hơn có thể xuất hiện đám mụn, ngứa ở những vùng da cọ xát nhiều như cổ, bàn tay chân, thân mình, các vùng nếp kẽ…

Viêm da cơ địa ở trẻ nhũ nhi
Thông thường viêm da cơ địa sẽ xuất hiện sớm, khoảng 3 tuần sau sinh. Bệnh thường cấp tính với biểu hiện các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to.
Nơi tổn thương hay gặp nhất ở trẻ nhũ nhi là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chân, tay. Đối với trẻ biết bò, có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối, nhưng không thấy tổn thương ở vùng tã lót. Bệnh viêm da cơ địa hay tái phát và rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống.

Ở trẻ lớn hơn tình trạng viêm da cơ địa thường đã từng xuất hiện ở độ tuổi nhũ nhi. Với thương tổn khi trẻ viêm da cơ địa là các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan toả cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.

Vị trí tổn thương hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da mạng lưới, ít khi ở mặt duỗi các chi. Thông thường, viêm da cơ địa thường xảy ra cấp tính, khi trẻ tiếp xúc với lông súc vật, gia cầm, mặc đồ len, dạ… Nếu tổn thương trên 50% diện tích da, sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng. Nhưng thật may mắn số trẻ sẽ khỏi viêm da cơ địa khi được 10 tuổi chiếm khoảng 50%.
Bệnh viêm da cơ địa không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây ngứa nhiều, có thể làm cho trẻ bị mất ngủ; việc tái phát, điều trị lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và người chăm sóc.

Khi bệnh tiến triển nếu không được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc đúng, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ có thể gây tổn thương da, bội nhiễm vi khuẩn (tụ cầu), virus (HSV), nấm… làm bệnh viêm da cơ địa trầm trọng hơn, khó điều trị cũng như tiên lượng.

Đối với một số trẻ sẽ làm tăng nguy cơ hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Theo nghiên cứu đã ghi nhận sự liên quan của tình trạng này, có khoảng 75% trẻ sơ sinh có xu hướng phát triển viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn kèm với viêm da cơ địa. Tình trạng này có thể gây suy nhược, ảnh hưởng hệ thống miễn dịch và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Khi trẻ bị viêm da cơ địa cha mẹ cần cho tới cơ sở y tế để được thăm khám và có kế hoạch quản lý bệnh hiệu quả, hạn chế đợt bùng phát của bệnh. Bên cạnh tổn thương về da, đa phần trẻ mắc viêm da cơ địa thường đi kèm với các bệnh lý dị ứng cơ địa khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn… Vì vậy, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần tránh cho trẻ các yếu tố khởi động nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể cần giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông gia súc, gia cầm, len, dạ, giảm bụi nhà, nên mặc đồ vải cotton.

Trẻ cần tắm nước ấm không quá nóng, không quá lạnh, khi tắm xong cần bôi thuốc, dưỡng ẩm da. Nếu dùng xà phòng thì chọn loại ít kích ứng. Khi mùa lạnh, hanh khô cần giữ độ ẩm không khí trong phòng và bôi thuốc làm ẩm da hàng ngày cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,516
  • Tháng hiện tại51,555
  • Tổng lượt truy cập4,664,484
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây