Bỏng điện và một số điều cần biết.

Thứ sáu - 15/07/2022 03:39
Bỏng điện là loại bỏng nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nếu điều trị khỏi cũng thường để lại di chứng nặng nề: Giảm hoặc mất chức năng vận động (93,6%), tàn phế (51,6%). Trong cuộc sống hiện đại bỏng điện có xu hướng gia tăng. Bỏng điện chiếm tỷ lệ 2 – 3,5%, tuy nhiên có thời kỳ tỷ lệ này tăng cao tới 10% – 13,2% số bệnh nhân bỏng vào điều trị.
Bỏng điện và một số điều cần biết.
Bỏng do điện năng phân làm 2 loại:
Bỏng do tia lửa điện. Tia lửa điện gây bỏng theo cơ chế nhiệt, gây bỏng do nhiệt độ rất cao: 3200°C – 4800°C trong thời gian thường rất ngắn (0,2 – 0,5 giây). 80% năng lượng là chùm tia hồng ngoại. Bỏng tia lửa điện thường bỏng nông, bỏng các phần hở của cơ thể hướng về tia lửa điện. Tia lửa điện có thể gây cháy quần áo. Đặc điểm tổn thương như bỏng lửa.
Bỏng do dòng điện (bỏng điện) là tổn thương toàn thân và tại chỗ khi có dòng điện truyền qua cơ thể. Cơ chế của bỏng diện: dòng điện khi dẫn truyền qua cơ thể gây rối loạn bệnh lý toàn thân và tại chỗ theo 2 cơ chế:
  • Tổn thương do năng lượng điện: Năng lượng điện khi truyền qua cơ thể chuyển thành nhiệt năng. Nhiệt năng sinh ra gây đông vón protein, hoại tử mô tế bào. Năng lượng giải phóng trên cơ thể càng lớn thì tổn thương mô càng nặng nề.
  • Hiệu ứng đục lỗ (electro- poration). Đây là tác dụng trực tiếp của dòng điện tới tế bào. Dòng điện đi trong mô cơ thể gây rối loạn điện thế màng tế bào, cưỡng bức vận chuyển qua màng theo tần số dòng điện. Màng tế bào với 2 lớp lipid không duy trì được cấu trúc khi điện thế chuyển dịch qua màng quá cao, dẫn tới sự hình thành các lỗ tổn thương màng tế bào. Nhạy cảm với loại tổn thương này là tế bào thần kinh, cơ hoặc cơ tim, hậu quả gây ngừng tim, co cơ và co giật. Tổn thương màng có thể hồi phục, song những tổn thương trầm trọng có thể gây thoái biến, hoại tử muộn các mô tế bào trên đường đi của dòng điện.
Khi có dòng điện truyền qua cơ thể, da là cơ quan đầu tiên bị tổn thương. Tiếp theo, dòng điện sẽ dẫn truyền theo những đường khác nhau (không nhìn thấy). Cần luôn biết điểm vào ra để đánh giá tổn thương.
Xử trí khi gặp trường hợp bỏng điện
  1. Cấp cứu khẩn cấp
  • Tìm mọi cách để tách nguồn điện ra khỏi cơ thể bằng cách ngắt cầu giao, tháo cầu chì, dùng que gỗ khô, que nhựa (không dẫn điện) gạt dây (vật) dẫn điện ra khỏi người bị nạn. Đưa ra vùng an toàn.
  • Ngay sau đó phải kiểm tra chức năng sống. Nếu có ngừng tim, tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực tại chỗ. Liên hệ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Nếu có điều kiện tiêm thuốc trợ tim, trợ hô hấp.
  • Tại chỗ tổn thương bỏng có thể đắp gạc, băng che phủ vết thương. Chỉ vận chuyển đi cơ sở y tế cấp cứu và xử trí vết thương khi đã khôi phục tuần hoàn và hô hấp.
Bỏng điện là tai nạn sinh hoạt và lao động, có thể phòng tránh nếu nghiêm túc tuân thủ các quy tắc sử dụng dụng cụ điện, nội quy an toàn ở các cột, trạm biến thế của đường dây cao thế. Một số ví dụ:
Không cho các cháu nghịch ổ cắm, phích cắm điện, ổ cắm ngoài tầm tay với của các cháu. Không cho các cháu trèo lên cột điện cao thế, thả diều dưới đường dây điện cao thế. Không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. không xây nhà dựng cột ăng-ten dưới đường dây điện cao thế. Cần tuyên truyền về hậu quả nặng nề của bỏng điện cũng như cách sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.

 

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay2,428
  • Tháng hiện tại57,111
  • Tổng lượt truy cập4,509,250
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây