Do vậy, nếu người dân không biết đến các triệu chứng sớm của đột quỵ não thì sẽ bỏ qua mất thời gian 4.5 giờ vàng này.
Càng cấp cứu sớm, tỉ lệ sống sót càng cao
Bệnh đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba trên thế giới nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống. Theo GS. Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Hơn 2 thập kỷ qua, gánh nặng của đột quỵ đã tăng 26%. Trên 80% trường hợp xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – nơi đột quỵ được coi là một đại dịch.
Mặc dù, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm, nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 4.5 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan
Các chuyên gia nhấn mạnh: “Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn”
Theo chuyên gia, các dấu hiệu của bệnh đột quỵ gồm:
* Rối loạn ý thức;
* Méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được,
* Đột ngột mất thị lực;
* Liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn;
* Chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở.
Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có trung tâm hoặc đơn vị đột quỵ để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.
Những hậu quả do đột quỵ não để lại vô cùng nặng nề. Mặc dù ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào về chi phí điều trị, song cứ một bệnh nhân đột quỵ ở mức độ tàn tật trung bình nghĩa là mất đi một lao động. Nếu di chứng nặng phải phụ thuộc người khác thì gia đình sẽ phải mất thêm một người chăm sóc. Như vậy, người bệnh đột quỵ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, nếu biết phòng và điều trị đúng cách, hậu quả xấu có thể giảm đi nhiều. Để phòng chống, xử trí bệnh nhân đột quỵ hiệu quả, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện sớm với phác đồ điều trị chuẩn. Ngoài điều trị đợt cấp, thì còn phải dự phòng biến chứng, vận động sớm và phục hồi chức năng.
Theo chuyên gia, để giúp bệnh nhân được xử trí sớm bệnh trong “giờ vàng” (4.5 giờ đầu), về phía bệnh nhân, cần nâng cao kiến thức hiểu biết các dấu hiệu sớm của đột quỵ để khi điều đó xảy ra, bệnh nhân phải được đưa đi cấp cứu, vận chuyển an toàn đến các cơ sở có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt, không được tự ý dùng thuốc tại nhà.
Về phía chuyên môn, tại các bệnh viện cần có đầy đủ các khoa phòng liên quan, cần thành lập nhóm các bác sĩ liên khoa để việc cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ não được diễn ra nhanh, thuận lợi nhất.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, Đơn vị đột quỵ thuộc Khoa Cấp cứu luôn đảm bảo khi bệnh nhân đặt chân đến phòng cấp cứu của bệnh viện thì tất cả các khoa, phòng liên quan đã sẵn sàng thăm khám, hội chẩn đưa ra quyết định nhanh chóng xử trí cho bệnh nhân rút ngắn tối đa thời gian từ khi bị bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu…
Nhờ vậy, so với trước đây, tỷ lệ các bệnh nhân được xử trí cấp cứu trong giờ vàng của đột quỵ não tăng lên nhiều lần, mang lại nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân .