NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP SAU BÃO LŨ VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Chủ nhật - 15/09/2024 22:54
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh (vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng…) sinh sôi và gây bệnh cho con người. Dưới đây là những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ mà mọi người cần biết để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ sức khỏe.
NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP SAU BÃO LŨ VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
CÁC BỆNH NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Sau mưa lũ các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa thường gia tăng đáng kể. Do người dân thiếu nguồn nước sạch để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt, việc bảo quản thức ăn cũng rất khó khăn do thiếu điện, thiếu các thiết bị bảo quản thức ăn (tủ lạnh, tủ bảo ôn..) nên dễ mắc các bệnh như: tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...). Các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, nôn, tiêu chảy cấp, nặng có thể gây mất nước điện giải nặng nguy hiểm đến tính mạng
j


CÁC BỆNH DO MUỖI TRUYỀN
Muỗi là loài động vật truyền bệnh nguy hiểm. Chúng thường sinh sôi và phát triển mạnh trong mùa mưa bão. Vì vậy, vào thời điểm này, các căn bệnh do muỗi lây truyền tăng cao và đe dọa đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Muỗi đốt vật/người mang mầm bệnh (mầm bệnh có khả năng sống trong nước bọt của muỗi) và lây nhiễm bệnh cho người bị muỗi đốt. Một số căn bệnh nguy hiểm thông qua đường truyền từ muỗi như bệnh sốt xuất huyết, viêm não, …Đặc biệt hiện nay đang có tình trạng gia tăng bệnh sốt xuất huyết Dengue.

BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP
Những ngày mưa kéo dài dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp như: Viêm họng, viêm mũi, cảm lạnh, cảm cúm... Các triệu chứng đầu tiên mắc bệnh đường hô hấp là đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, kèm theo sổ mũi; cảm giác khó thở tăng lên khi tham gia các hoạt động thể lực nào; khó thở khi nằm; ho dai dẳng, là phản xạ có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và các xoang, ống tai, màng phổi, thực quản, dạ dày... gây khó chịu cho người bệnh.
Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm phế quản, viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị và tốn kém chi phí.

CÁC BỆNH LÝ VỀ DA
Những người tiếp xúc và ngâm nước bẩn lâu ngày có nguy cơ mắc 4 nhóm bệnh về da bao gồm: viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm da, bệnh ngoài da do chấn thương và các bệnh ngoài da khác.
Đối với các bệnh lý về da thường có các biểu hiện: xuất hiện các mảng ban đỏ tại vùng tiếp xúc, mụn nước, cảm giác châm chích, bỏng rát và đau nhức, trợt loét da, ngứa, ...

CÁC BỆNH LÝ VỀ MẮT
Một trong những căn bệnh cũng phổ biến trong mùa mưa lũ đó là các bệnh liên quan đến mắt như đau mắt đỏ, viêm tuyến lệ, viêm bờ mi… Thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh về mắt tăng cao. Các bệnh về mắt đặc biệt là bệnh đau mắt đỏ thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em. Bệnh dễ mắc và có thể bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm …
Khuyến cáo phòng bệnh sau mưa bão

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
1️⃣ Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2️⃣ Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3️⃣ Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4️⃣ Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5️⃣ Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6️⃣ Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
7️⃣ Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8️⃣Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
lichtrucphongban
KHAMONLINE
 
1
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,692
  • Tháng hiện tại32,427
  • Tổng lượt truy cập4,566,232
 
LOGOBENHVIENok
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Địa chỉ: Km2, đường Đông khê, Phường Tân Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 954 216  -  Fax: 02063 954 216
Ghi rõ nguồn http://benhvientinh.caobang.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây