Nguyên nhân gây liệt nửa mặt
Liệt nửa mặt do lạnh hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên. Đây là bệnh lý tổn thương đường dẫn truyền ngoại biên của dây thần kinh VII, trong đó thường thấy nguyên nhân do mạch máu nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây thiếu máu cục bộ, phù, chèn ép dây thần kinh. Các trường hợp liệt tự phát thường tiến triển cấp tính có liên quan đến yếu tố lạnh.
Các dấu hiệu nhận biết liệt nửa mặt
Liệt nửa mặt do lạnh hay còn gọi là liệt dây thần kinh VII ngoại biên gây nên tình trạng giảm hoặc mất vận động các cơ ở mặt.
Dây thần kinh mặt (dây VII) - dây thần kinh chi phối vận động cơ mặt và vùng cổ, thực hiện các động tác nhăn trán, nhắm mắt, hỉnh mũi, cười, huýt gió, phồng má,... các biểu cảm cảm xúc tinh tế được thể hiện qua từng thớ cơ nhỏ trên mặt đều được thần kinh này điều khiển. Do vậy, khi mắc người bệnh đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán.
Mắt của người bệnh nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, méo miệng, góc mép miệng bị xệ xuống, chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.
Khi bị liệt nửa mặt, nhiều người bệnh lo lắng quá mức nhưng cũng có người chủ quan, không điều trị. Trên thực tế, ở một số trường hợp liệt nửa mặt có thể hồi phục và điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương, đối với nhóm nguyên nhân do nguyên phát (thường do co mạch máu nuôi), liệt mặt ngoại biên có thể tự hồi phục kể cả khi chưa điều trị.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không thể phục hồi, tự khỏi bởi do thời gian co mạch quá lâu, dây thần kinh cần thời gian hồi phục, các cơ mặt bị mất sự chi phối trở nên trơ, nhão và dần chuyển co cứng.
Vì vậy, khi bị liệt nửa mặt cần phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh, loại trừ những nguyên nhân thứ phát nguy hiểm (như u chèn ép), người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực, có phương pháp phục hồi vận động cơ vùng mặt là rất cần thiết để trả lại nét mặt tự nhiên và tự tin cho người bệnh.
Điều trị liệt nửa mặt.
Tùy từng trường hợp, nguyên nhân khác nhau mà các bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau. Với nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng: điều trị càng sớm càng tốt, tránh các kích thích mạnh, không cố điều trị cho hết liệt trong giai đoạn cấp của bệnh, kết hợp bảo vệ mắt bên liệt.
Bệnh nhân có thể sẽ được điều trị nội khoa và kết hợp với y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định như: Thuốc chống viêm, tăng dẫn truyền thần kinh. Để chống khô mắt và viêm giác mạc người bệnh cần đeo kính râm, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý… để bảo vệ mắt.
Đối với giai đoạn cấp, người bệnh sẽ được áp dụng phương pháp vật lý trị liệu chống viêm bằng sóng ngắn, giai đoạn bán cấp và mạn tính dùng nhiệt nóng. Dùng điện phân đưa thuốc chống viêm, tăng dẫn truyền thần kinh. Dùng laser công suất thấp chiếu vào các huyệt vị vùng mặt bên liệt. Dùng điện xung kích thích thần kinh cơ mặt bên liệt. Dùng siêu âm xoa bóp vi thể toàn bộ cơ mặt bên liệt.
Người bệnh sẽ được áp dụng các bài tập phục hồi chức năng như: Xoa bóp vùng mặt: dùng 5 đầu ngón tay và lòng bàn tay thả lỏng day, xoa nhẹ nhàng toàn bộ bên liệt theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và ngược lại. Tập các cơ vùng mặt qua gương như: nhắm mắt, huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, mỉm cười, nhăn trán, phát âm các từ: I, A, B, P, U.
Tóm lại: Để phòng liệt nửa mặt cần tránh gió lạnh đột ngột, mùa nóng không nằm thẳng điều hòa; mùa lạnh mở cửa từ từ, tránh gió lùa, ra đường đeo khẩu trang giữ ấm mặt, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh cần sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời hạn chế tối đa để lại những di chứng của bệnh.
Liệt nửa mặt không nguy hiểm đến tính mạng, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng. Nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.